Quy trình nhập quốc tịch để trở thành công dân Hoa Kỳ (10 bước)

BƯỚC 1: Xác định xem có phải bạn đã là một công dân Hoa Kỳ hay chưa?

Bạn có thể trở thành một công dân Hoa Kỳ ngay khi sinh ra hoặc thông qua việc nhập quốc tịch. Nói chung, công dân Hoa Kỳ ngay khi sinh ra là những người được sinh ra tại Hoa Kỳ hoặc, được sinh ra ở nước ngoài nhưng có bố mẹ là công dân Hoa Kỳ. Nếu bạn dưới 18 tuổi và đã là một thường trú nhân hợp pháp, bạn cũng có thể nhận quốc tịch Hoa Kỳ khi bố hoặc mẹ của bạn, hay cả hai người ấy, được nhập quốc tịch, hoặc nếu bạn được một công dân Hoa Kỳ nhận làm con nuôi.

  • Có phải bạn đã được sinh ra tại Hoa Kỳ hay tại một lãnh thổ của Hoa Kỳ hay không?

Nếu đúng là thế, bạn có thể đã là một công dân Hoa Kỳ.

  • Có phải bố hoặc mẹ của bạn, hoặc cả hai, là công dân Hoa Kỳ trước khi bạn bước sang tuổi 18?

Nếu đúng là thế, bạn có thể đã là một công dân Hoa Kỳ.

BƯỚC 2: Xác định tư cách trở thành một công dân Hoa Kỳ.

Nhìn chung, bạn có thể hội đủ điều kiện để nhập quốc tịch nếu bạn từ 18 trở lên và đã là một thường trú nhân trong suốt thời gian tối thiểu là 5 năm (hoặc 3 năm nếu bạn kết hôn với một công dân Hoa Kỳ), đồng thời đáp ứng được mọi yêu cầu quy định khác về tư cách nhập tịch. Bạn cũng có thể hội đủ điều kiện nhập quốc tịch dựa trên quá trình phục vụ trong quân đội, và điều đó có liên quan đến các yêu cầu quy định khác.

BƯỚC 3: Điền thông tin vào mẫu N-400, Đơn xin Nhập Quốc tịch

Khi bạn đáp ứng mọi yêu cầu quy định để trở thành một công dân Hoa Kỳ, hãy điền đủ thông tin vào Biểu mẫu N-400 để nộp đơn xin nhập quốc tịch. Bạn có thể tạo một tài khoản và nộp đơn của bạn theo Biểu mẫu N-400 trực tuyến, cách này cho phép bạn nhận được các thông báo nhắc nhở về tình trạng xử lý vụ việc, gửi các tin nhắn một cách an toàn, xem mọi thư từ trao đổi về vụ việc, kiểm tra tình trạng xử lý đơn của bạn, cập nhật các thông tin cá nhân và tải lên các chứng cứ hỗ trợ. Hãy ghé qua trang uscis.gov/n-400 để biết thêm thông tin và các hướng dẫn cần thiết.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM:
  • Điền đủ thông tin và ký tên vào Biểu mẫu N-400.
  • Chuẩn bị 2 ảnh chụp theo quy định áp dụng cho thủ tục làm hộ chiếu, nếu bạn cư trú bên ngoài Hoa Kỳ.
  • Thu thập các thông tin cần thiết để chứng minh bạn có đủ tư cách nhập quốc tịch.
  • Xem lại Biểu mẫu N-400 mà bạn đã điền thông tin và ký tên cũng như các chứng từ hỗ trợ khác để phát hiện các sai sót, nếu có.

Lưu ý: Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) có thể yêu cầu các thông tin bổ sung nếu đơn của bạn chưa đầy đủ. Điều đó sẽ khiến tiến trình xử lý đơn của bạn bị đình trệ.

BƯỚC 4: Nộp mẫu N-400, Đơn xin Nhập Quốc tịch.

Hãy nộp đơn của bạn, các chứng từ hỗ trợ và các khoản lệ phí cho Sở Di trú USCIS. Nếu bạn cư trú bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, hãy nộp các ảnh chụp theo quy định áp dụng cho thủ tục làm hộ chiếu kèm theo đơn của bạn.

Khi bạn đã nộp Biểu mẫu N-400 và nhận được một thông báo nhận hồ sơ, bạn có thể kiểm tra các thời hạn xử lý đơn xin hiện hành và tình trạng xử lý đơn của bạn bằng cách ghé qua trang uscis.gov.

HỒ SƠ XIN NHẬP QUỐC TỊCH BAO GỒM:
  • Biểu mẫu N-400 cùng với các khoản phí cho dịch vụ sinh trắc học (lăn tay), nếu có.
  • Biểu mẫu N-648, Chứng nhận Y tế cho các Trường hợp Ngoại lệ vì Khuyết tật, nếu có. Nếu bạn muốn được miễn thi tiếng Anh (English test/ Câu hỏi N400) hoặc kiến thức công dân (Civics Test/ 100 Câu lịch sử) trong thủ tục nhập quốc tịch dựa trên tình trạng khuyết tật về thể chất hoặc tình trạng tâm thần sa sút, hãy nộp kèm vào hồ sơ của bạn một Biểu mẫu N-648 cùng với các chứng cứ cần thiết được liệt kê trong phần hướng dẫn thực hiện Biểu mẫu N-400.
  • Nộp 2 ảnh chụp theo quy định áp dụng cho thủ tục làm hộ chiếu.

Hãy tham khảo phần hướng dẫn thực hiện Biểu mẫu N-400 để các yêu cầu quy định về hồ sơ bổ sung. Lưu giữ một bản sao Biểu mẫu N-400 mà bạn đã điền đủ và ký tên cũng như các chứng từ hỗ trợ. Bạn sẽ cần phải trả lời các câu hỏi về Biểu mẫu N-400 của mình tại cuộc phỏng vấn về yêu cầu nhập quốc tịch của bạn.

BƯỚC 5: Đến cuộc hẹn thực hiện sinh trắc học (lăn tay), nếu được yêu cầu.

Sở USCIS quy định rằng các đương đơn xin nhập quốc tịch phải được lấy dấu vân tay và chụp ảnh, phục vụ cho mục đích tiến hành các cuộc kiểm tra tiền án tiền sự của Cục Cảnh sát Liên bang (FBI). Trong một số trường hợp, Sở USCIS có thể sử dụng lại các dấu vân tay và ảnh chụp đã được thu thập trước đó để tiến hành các cuộc kiểm tra tiền án tiền sự theo quy định. Bạn sẽ nhận được một thông báo về việc kết quả sinh trắc học của bạn đã được sử dụng lại hoặc, nếu như cần có kết quả sinh trắc học mới, bạn sẽ nhận được thông báo về một cuộc hẹn thực hiện sinh trắc học. Mọi đương đơn xin nhập quốc tịch phải được kiểm tra tiền án tiền sự hoàn tất trước khi Sở USCIS lên lịch phỏng vấn.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM:
  • Nhận thông báo cuộc hẹn thực hiện sinh trắc học, trong đó nêu rõ ngày, giờ và địa điểm hẹn.
  • Đến địa điểm hẹn được xác định trong thông báo đúng giờ theo lịch hẹn.
  • Tuân thủ quy trình thực hiện sinh trắc học.
  • Rồi sau đó, bạn sẽ nhận được một thông báo về cuộc phỏng vấn có liên quan đến yêu cầu nhập quốc tịch của bạn.

BƯỚC 6: Hoàn thành cuộc phỏng vấn.

Sau khi hoàn tất mọi quy trình xử lý sơ bộ đối với trường hợp đơn của bạn, Sở USCIS sẽ lên lịch tiến hành một cuộc phỏng vấn dành cho bạn. Bạn phải trình báo sự có mặt của mình tại văn phòng của Sở USCIS đúng ngày giờ được xác định trong thông báo hẹn phỏng vấn mà bạn đã nhận được. Khi đến với cuộc hẹn, xin vui lòng mang theo thông báo hẹn phỏng vấn ấy.

Một điều tối quan trọng là không được bỏ qua cuộc phỏng vấn dành cho bạn theo thông báo.

Nếu bạn không thể đến phỏng vấn theo thông báo, hãy làm theo những hướng dẫn có trong thông báo hẹn phỏng vấn về cách liên hệ với văn phòng Sở USCIS để xin lên lịch lại cho cuộc phỏng vấn càng sớm càng tốt. Lên lịch lại cho một cuộc phỏng vấn như thế có thể khiến quá trình xử lý đơn nhập quốc tịch kéo dài thêm nhiều tháng, vì thế hãy cố gắng hết sức để tham gia cuộc phỏng vấn đúng lịch hẹn ban đầu theo thông báo.

Lưu ý: Bạn phải thông báo cho Sở USCIS biết nếu bạn thay đổi địa chỉ sau khi đã nộp Biểu mẫu N-400 trong vòng 10 ngày kể từ khi thay đổi nơi ở. Để biết thêm thông tin về việc nộp hồ sơ thay đổi địa chỉ, hãy ghé qua trang web của Sở USCIS theo địa chỉ: uscis.gov/addresschange. Bạn phải thông báo cho Sở USCIS MỖI KHI bạn thay đổi địa chỉ

NHỮNG GÌ SẼ XẢY RA:
  • Tại cuộc phỏng vấn, bạn sẽ gặp một viên chức của Sở USCIS và trả lời những câu hỏi của người ấy đặt ra có liên quan đến Biểu mẫu N-400 mà bạn đã nộp.
  • Nếu bạn muốn yêu cầu được đối xử ngoại lệ vì lý do y khoa đối với các yêu cầu quy định về kiểm tra tiếng Anh và/hay kiến thức công dân, hãy nộp Biểu mẫu N-648, Chứng nhận Y tế cho các Trường hợp Ngoại lệ vì Khuyết tật, đã điền đủ thông tin và ký tên, nếu bạn chưa nộp biểu mẫy ấy cùng lúc với thời điểm nộp Biểu mẫu N-400.
  • Bạn sẽ thực hiện các bài kiểm tra tiếng Anh và kiến thức về giáo dục công dân, trừ phi được miễn trừ. Hãy tham khảo Biểu mẫu N-400, Hướng dẫn Thực hiện Đơn xin Nhập Quốc tịch, hoặc ghé qua trang uscis.gov/citizenship/exceptions-and-accommodations để biết thêm thông tin về các trường hợp miễn trừ ngoại lệ. Hãy ghé qua trang uscis.gov/citizenship để có tài liệu học tập chuẩn bị cho các bài thi nêu trên.
  • Ở một số trường hợp, viên chức của Sở USCIS sẽ không thể đưa ra quyết định về Biểu mẫu N-400 mà bạn đã nộp sau cuộc phỏng vấn về yêu cầu nhập quốc tịch của bạn. Khi ấy, viên chức của Sở USCIS sẽ tiếp tục xem xét trường hợp của bạn. Điều đó có thể bao gồm yêu cầu bạn cung cấp thêm chứng cứ bổ sung hay yêu cầu bạn tham gia một cuộc phỏng vấn thứ hai.
  • Sở USCIS sẽ cung cấp cho bạn một thông báo kết quả phỏng vấn sau cuộc phỏng vấn dành cho bạn.
BƯỚC 6A: Tiếp tục quy trình nộp đơn xin

Bên dưới đây là những lý do thường gặp nhất đối với trường hợp tiếp tục quy trình nộp đơn xin:

  • Viên chức tại Sở USCIS xác định rằng bạn cần phải cung cấp giấy tờ hay chứng cứ bổ sung. Sở USCIS có thể yêu cầu bạn nộp chứng từ bổ sung bằng cách gửi cho bạn Biểu mẫu N-14, Yêu cầu Cung cấp Thông tin, Giấy tờ hay Biểu mẫu Bổ sung. Bạn sẽ cần phải cung cấp hồ sơ chứng từ bổ sung theo yêu cầu để tiếp tục quy trình nộp đơn xin nhập quốc tịch.
  • Bài kiểm tra tiếng Anh hoặc bài kiểm tra kiến thức công dân của bạn, hoặc cả hai bài kiểm tra ấy, bị chấm trượt. Sở USCIS sẽ lên lịch cho bạn quay lại phỏng vấn lần nữa trong vòng 60 đến 90 ngày kể từ lần phỏng vấn đầu tiên, chỉ để cho bạn có cơ hội thi lại phần kiểm tra (tiếng Anh hay kiến thức công dân) mà bạn đã thi trượt. Sở USCIS sẽ bác bỏ Biểu mẫu N-400 nếu bạn thi trượt lần thứ hai.

BƯỚC 7: Nhận quyết định của Sở Di trú USCIS về Biểu mẫu N-400, Đơn xin Nhập Quốc tịch, của bạn.

Một văn bản thông báo quyết định sẽ được cấp cho bạn.

  • Được chấp thuận—Sở USCIS có thể phê chuẩn Biểu mẫu N-400 của bạn nếu như các chứng cứ được ghi nhận hình thành cơ sở cho thấy bạn có đủ tư cách để nhập quốc tịch.
  • Bị bác bỏ— Sở USCIS sẽ từ chối Biểu mẫu N-400 của bạn nếu như các chứng cứ được ghi nhận hình thành cơ sở cho thấy bạn không có đủ tư cách để nhập quốc tịch.
BƯỚC 7A: Đơn xin bị bác bỏ

Bạn sẽ nhận được một thông báo từ Sở USCIS, trong đó giải thích rõ lý do bác bỏ Biểu mẫu N-400 của bạn. Nếu tin rằng Sở USCIS bác bỏ Biểu mẫu N-400 của bạn một cách không thỏa đáng, bạn có thể yêu cầu tổ chức một phiên xét xử phúc thẩm quyết định ấy.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM:

Thông báo bác đơn mà bạn nhận được sẽ bao gồm các hướng dẫn cách thức xin phúc thẩm quyết định của Sở USCIS thông qua việc điền thông tin và nộp Biểu mẫu N-336, Yêu cầu Xét xử Phúc thẩm một Quyết định trong Quy trình Nhập Quốc tịch. Hãy ghé qua trang uscis.gov/n-336 để biết thêm thông tin. Bạn PHẢI nộp Biểu mẫu N-336 như thế cùng với một khoản phí phù hợp trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định bác bỏ Biểu mẫu N-400 của mình. Nếu một yêu cầu xét xử như thế không được nộp trong thời hạn cho phép nêu trên, quyết định bác đơn ấy có giá trị chung cuộc.

BƯỚC 8: Nhận một thông báo về việc thực hiện lời Tuyên thệ Trung thành.

NHỮNG GÌ SẼ XẢY RA:

Sở USCIS sẽ gửi cho bạn qua đường thư tín một thông báo xác định ngày, giờ và địa điểm thực hiện lễ tuyên thệ của bạn theo kế hoạch. Trong một số tình huống hạn chế, bạn có thể tham gia thực hiện một lễ tuyên thệ vào đúng ngày bạn được phỏng vấn. Nếu bạn không thể tham gia lễ tuyên thệ vào ngày mà Sở USCIS lên lịch thực hiện cho bạn, hãy làm theo các hướng dẫn trong Biểu mẫu N-445, Thông báo về Lễ Tuyên thệ Nhập Quốc tịch, về cách thông báo cho văn phòng Sở USCIS tại địa phương của bạn để yêu cầu Sở USCIS lên lịch thực hiện lại cho bạn.

BƯỚC 9: Thực hiện Lời Tuyên thệ Trung thành với Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.

Bạn không phải là một công dân Hoa Kỳ cho đến khi bạn thực hiện Lời Tuyên thệ Trung thành tại một buổi lễ nhập quốc tịch. Lời tuyên thệ như thế hướng dẫn và giám sát bởi Sở USCIS tại một buổi lễ theo nghi thức hành chính, hoặc bởi một thẩm phán tại một buổi lễ theo nghi thức tư pháp. Một tòa án có đặc quyền tiến hành các buổi lễ tuyên thệ như thế tại một số khu vực có văn phòng của Sở USCIS.

Bạn nhận Giấy Chứng nhận Nhập Quốc tịch của mình sau khi thực hiện Lời Tuyên thệ Trung thành.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM:
  • Trả lời theo bản câu hỏi thăm dò trong Biểu mẫu N-445, Thông báo về Lễ Thực hiện Lễ Tuyên thệ Nhập Quốc tịch.
  • Báo cáo trình diện khi tham gia lễ tuyên thệ của bạn.
  • Khai báo thông tin khi đến Sở USCIS.
  • Một viên chức của Sở USCIS sẽ xem xét các câu trả lời của bạn trong Biểu mẫu N-445.
  • Trao trả Thẻ Thường trú nhân của bạn.
  • Thực hiện Lời Tuyên thệ Trung thành để trở thành một công dân Hoa Kỳ.
  • Nhận Giấy Chứng nhận Nhập Quốc tịch của bạn và xem xét kỹ thông tin trong đó trước khi rời khỏi địa điểm tiến hành buổi lễ. Thông báo cho Sở USCIS biết về bất cứ sự chỉnh sửa cần thiết trong giấy chứng nhận ngay tại thời điểm ấy.

BƯỚC 10: Hiểu rõ về tư cách công dân Hoa Kỳ.

Tư cách công dân là điểm chung có tác dụng liên kết tất cả người dân Mỹ. Bên dưới đây là một số quyền và bổn phận quan trọng nhất mà mọi công dân Hoa Kỳ—có tư cách công dân ngay khi sinh ra cũng như lựa chọn xin nhập quốc tịch—nên vận dụng, tôn trọng và vinh danh. Mộtsố quyền và bổn phận trong số đó cũng áp dụng đối với những cư dân tại Hoa Kỳ chưa có tư cách công dân. Mặc dù chỉ có một số bổn phận như thế là yêu cầu bắt buộc theo luật định đối với mỗi một công dân, tất cả các bổn phận gắn liền với tư cách công dân đều có vai trò quan trọng để đảm bảo sức sống trường tồn cho quốc gia và nền dân chủ của chúng ta.

Các quyền
  • Tự do thể hiện bản thân.
  • Tự do thờ phượng theo ý nguyện.
  • Quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng thông qua bồi thẩm đoàn.
  • Quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu chọn các viên chức công quyền.
  • Quyền được xin làm việc cho chính phủ Liên bang ở những công việc cần có tư cách công dân Hoa Kỳ.
  • Quyền tranh cử cho các vị trí được bầu chọn.
Các bổn phận
  • Ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ.
  • Luôn nắm bắt thông tin về những vấn đề có ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư của mình.
  • Tham gia vào tiến trình dân chủ.
  • Tôn trọng và tuân thủ luật lệ của liên bang, tiểu pháp và địa phương.
  • Tôn trọng các quyền, niềm tin và ý kiến của người khác.
  • Tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương.
  • Đóng thuế thu nhập và các khoản thuế khác một cách kịp thời và đúng hạn cho các cơ quan chính quyền của liên bang, tiểu bang và địa phương.
  • Tham gia phục vụ hội thẩm trong một bồi thẩm đoàn khi được triệu tập.
  • Phục vụ cho đất nước khi cần thiết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *